Những ngày gần đây, khi thấy dòng người từ sài gòn đổ xô nhau về quê tránh dịch, vừa xót vừa thương. Và một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu những ngày sắp tới họ có quay trở lại không?
Câu hỏi này làm mình nhớ đến một ý trong sách rất hay nói về hạnh phúc và bất hạnh. Đó là một nghiên cứu của Soja Lyubomirsky (dựa trên nghiên cứu của Lykken về hạnh phúc), ông nói:
-
50% hạnh phúc là do di truyền (mức hạnh phúc cơ sở).
-
40% hạnh phúc đến từ các hoạt động (thói quen).
-
10% hạnh phúc được quyết định bởi hoàn cảnh.
Bản thân con người luôn có một mức hạnh phúc cơ sở (50%). Đó là mốc mà tâm trạng của bạn sẽ ổn định lại trước và sau một hoàn cảnh hạnh phúc và bất hạnh.
Bạn sẽ cảm thấy vui khi sở hữu một chiếc xe sang, xịn, hoặc cảm thấy hạnh phúc khi sắm được một chiếc điện thoại mới… nhưng thực tế khi sở hữu được chúng rồi, niềm vui chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Và rồi chúng ta lại tiếp tục tìm kiếm những niềm vui khác để lấp đầy.
Tương tự, nỗi bất hạnh cũng hoạt động như thế. Nỗi đau mất người thân là quá lớn, chúng ta luôn nghĩ cả đời còn lại mình sẽ không thể vượt qua nhưng thực tế là sau vài năm chúng ta đều quay lại cuộc sống thường ngày, vẫn sống vui vẻ như chưa có nỗi đau nào xảy ra.
Hoàn cảnh (vui hay buồn) chỉ chiếm 10% hạnh phúc. Và chúng ta sẽ luôn trở về với mức hạnh phúc cơ sở của chính mình (50%) – mức cân bằng và ổn định tâm trạng.
Vậy nên, dù thế nào thì mình vẫn tin sau thời gian trở về quê nhà, về với gia đình, tâm trạng của mọi người sẽ dần ổn định và khôi phục lại trạng thái cân bằng để tiếp tục con đường tìm kiếm 50% hạnh phúc còn lại đến từ các hoạt động (thói quen) và những hoàn cảnh mới.
Hạnh phúc dài hạn đến từ đâu?
Trong nghiên cứu trên có thể thấy 40% hạnh phúc đến từ các hoạt động. Và các hoạt động tạo ra hạnh phúc lâu dài đến từ những thói quen tốt hàng ngày.
Có nhiều thói quen giúp xây dựng hạnh phúc lâu dài và một trong số thói quen mình chọn là tập thể dục mỗi ngày, tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc của hiện tại, biết ơn và trân trọng những gì mình đang có (dù cho hiện tại chưa hoàn hảo).
“Hạnh phúc không phải là mục tiêu. Nó là một trạng thái tinh thần; một trạng thái thể chất, một thói quen”.
