Khép lại cuốn sách Muôn kiếp nhân sinh (phần 2), rất nhiều cảm xúc khó tả. Đây là thể loại sách tôi tìm kiếm nhiều năm nay, thực sự đọc xong cảm giác rất “đã”. “Đã” vì ngộ ra được nhiều điều, cảm nhận như có một sự thức tỉnh mạnh mẽ trong con người mình.
Những lời trăn trối của vị Đại đế Alexander vẫn còn văng vẳng bên tai. Như câu nói “Kiến thức là những gì còn sót lại sau khi đã quên hết”. Và đây là câu nói khiến mình nhớ và suy nghĩ nhiều nhất.
Nguyên văn của vị Đại đế như sau:
“Khi ta chết, quan tài của ta phải do những y sĩ giỏi nhất khiêng đi – vì y thuật không thể chiến thắng cái chết. Vàng bạc trong kho phải mang lót trên đường khi di quan từ nội cung ra triều đình – vì khi chết không ai mang bất cứ của cải gì theo được. Quan tài của ta phải được mở hai bên để hai cánh tay ta có thể dang ra ngoài – vì khi sinh ra ta chẳng có gì và khi ta chết cũng ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi”.
Con người đến với cuộc sống này không phải để hưởng thụ vật chất, chạy đua theo tiền tài địa vị đến hết đời rồi thôi. Bởi được làm người là một điều vô cùng may mắn và mỗi kiếp sống luôn đi kèm với những bài học riêng. Và chỉ khi con người biết quay vào nội tâm, lắng nghe tiếng nói tâm thức, khi đó chúng ta mới thực sự ngộ ra được đâu là bài học mình cần học trong đời kiếp này.
Tiền bạc, địa vị, vật chất chỉ là phương tiện để giúp ta nhận ra bài học của mình. Quay về bên trong, phát triển tâm thức, biết yêu thương, hành thiện, sống không chỉ cho riêng mình, sống cho đi, bao dung, luôn nghĩ về con người và cộng đồng là cách sống chúng ta cần hướng đến.
Khi tôi chưa giàu, tôi sẽ nỗ lực để kiếm tiền nhưng vẫn giữ luật nhân quả làm kim chỉ nam. Và khi tôi đủ giàu, dư dả thì những đồng tiền có được này sẽ dành cho điều ý nghĩa, cho cộng đồng và cho xã hội.
Đến hiện tại, tôi vẫn như bạn, một con người bình thường nhưng chí ít thì tôi đã được thức tỉnh, biết quay trở về bên trong, biết lắng nghe tiếng nói nội tâm, điều chỉnh cuộc sống theo đúng quỹ đạo, sứ mệnh trong cuộc đời này. Và mỗi ngày tôi vẫn luôn nhắc bản thân phải tiếp tục học, mở mang kiến thức bởi vì việc học là việc cả đời.
Và đây là cách sống tôi sẽ hướng tới, là kim chỉ nam cho tôi trong suốt những năm tháng về sau.
“Bôn ba muôn nẻo nhân sinh. Không ai mang theo được thứ gì khi rời ra thế giới này – trừ công và tội” – Nguyễn Văn Phước.
—————–
Lê Thị Ngọc Đào.